TRANG CHỦ10 bước giúp bạn thành trông trong việc nuôi dạy con cái
1. Khen thưởng :
Có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên hỏi tại sao khen thưởng lại là điều đầu tiên cần phải làm, nhưng nếu bạn mong muốn con bạn có những cư xử đúng mực thì điều quan trọng chính là việc dạy cho chúng hiểu rằng hễ cư xử đúng mực sẽ được thưởng.
Những lời khen sẽ giúp gầy dựng lòng tự trọng và tự tin ở trẻ. Quan trọng là nội dung khen thưởng phải rõ ràng & đặc biệt theo từng trường hợp, đại loại như : “con mang giày nhanh và khéo quá nhỉ !” khi đó đứa trẻ sẽ hiểu được nó vừa mới hoàn tất tốt công việc gì. Ngoài lời khen thì các hình thức khen thưởng có tổ chức khác như bảng vàng hoặc phiếu bé ngoan cũng rất thích hợp để là động lực dẫn đến những hành vi đúng đắn trong khi ăn hoặc đi vệ sinh.
2. Sự nhất quán :
Luôn phải theo đúng nhữn gì ta nói và làm với trẻ. Nếu bạn cứ thay đổi mục tiêu luôn luôn, và liên tục thiết lập nhiều quy định mới, trẻ sẽ chẳng hiểu mình muốn gì ở chúng nữa. Cần cho trẻ hiểu vị trí của chúng và không bao giờ thay đổi những quy định cơ bản. Ngoài ra, phải dặn những người lớn trong gia đình cũng nhất quán với những quy định cơ bản này nhằm tránh cho trẻ bị nhầm lẫn với những thông điệp khác nhau.
3. Thói quen :
Thói quen tốt sẽ giúp diễn biến trong ngày xảy ra theo một lịch trình ổn định, làm cho trẻ cảm thấy thoải mái và yên tâm hơn. Thói quen tốt ở đây có thể là : ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc, ăn đúng giờ, không ăn vặt nhiều … Thói quen tốt cũng đảm bảo cho bạn có đủ thời gian làm mọi việc mà không bị stress, cho bạn sử dụng được thời gian một cách có chất lượng để thư giãn và chơi đùa với con mình. Giờ ăn và giờ ngủ của trẻ có thế coi như cơ sở của một thói quen tốt, các việc khác nên được sắp đặt trong các khoảng thời gian giữa giờ ăn và ngủ.
4. Những ranh giới :
Sắp đặt những ranh giới rõ ràng là một cách để chứng tỏ quyền hạn của mình với trẻ, để cho trẻ hiểu rằng nơi nào lúc nào là cần phải làm việc gì. Trẻ con không thích thấy môi trường quanh chúng thay đổi liên tục, chúng cần biết rõ điều gì được phép và không được phép, từ đó chúng sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp. Điều này cũng có nghĩa là không nên cho con bạn quá nhiều chọn lựa dẫn đến việc trẻ sẽ trở nên không dứt khoát.
5. Kỷ luật :
Cần phải luôn kiểm soát các quy định mình đã đặt ra một cách kiên định và công bằng. Trẻ em cần hiểu ra rằng những cư xử không thể chấp nhận được của chúng sẽ dẫn đến một hậu quả nhất định : ngoan thì sẽ được khen thưởng, hư là bị phạt. Nếu bạn đối xử công bằng, trẻ cũng sẽ ứng xử hợp lý theo.
6. Cảnh báo :
Thường xuyên cảnh báo với trẻ khi nó hư sẽ cho trẻ cơ hội suy nghĩ lại hành động của mình và tự quyết định xem nên tiếp tục hay dừng lại trước khi nó bị phạt.
Nhưng cảnh báo cũng còn có nghĩa là những thông báo đưa ra trước khi bạn đi ra ngoài, trước giờ ăn, trước khi bạn yêu cầu bé ngừng chơi và đi cất đồ chơi của mình. Cách thông báo trước như vậy giúp trẻ có thể chuẩn bị tinh thần làm sang việc khác. Yêu cầu trẻ làm việc gì một cách nhanh gọn đều không công bằng chút nào và có thể làm cho trẻ nổi cơn bướng lên. Một đứa trẻ được biết trước điều người lớn yêu cầu nó thường có hợp tác tốt hơn.
7. Giải thích :
Không thể chỉ nói “không” để từ chối trẻ em – chúng cần biết tại sao và như thế nào. Có nhiều cách để giải thích, không nhất thiết phải đầy vẻ lên lớp và dài dòng. Cố gắng trả lời trọn vẹn những câu hỏi trẻ nêu ra, dẫn giải rõ ràng từ những điều bạn đang làm hay đang nhìn thấy, dùng các ví dụ minh hoạ có liên quan mật thiết đến đời sống của trẻ.
8. Sự kiềm chế :
Làm cha mẹ phải biết kiềm chế, bình tĩnh kiểm soát mọi việc, không bao giờ la hét hoặc đối xử độc tài với con cái. Cũng không nên thúc dục con cái, gây áp lực về thời gian với chúng. Đừng làm lớn chuyện với những gì không thay đổi ngay được. Ngay cả khi khen thưởng trẻ cũng cần phải kiềm chế : khen thưởng sẽ mất ý nghĩa với trẻ nếu suốt ngày chúng được khen hoài, và cũng khó mà chứng tỏ cho trẻ thấy cha mẹ đặc biệt thương yêu chúng như thế nào nếu bạn luôn cho chúng quà bánh !
9. Trách nhiệm :
Khi lớn lên, trẻ phải chiu trách nhiệm với hành vi, đồ đạc và thân thể của chúng. Cần phải để cho trẻ tự đút ăn, tự đánh răng, tự dọn dẹp đồ chơi và phòng ngủ của chúng. Việc này giúp trẻ có cảm giác tự hào về bản thân và đồ đạc riêng của mình. Nhưng nên giao cho trẻ những nhiệm vụ vừa sức và dễ hoàn thành.
10. Nghỉ ngơi - Giải trí :
Quan trọng nhất là cần phải nhớ dành ra thời gian vui chơi chung với con mình. Phải chơi chung với trẻ, hôn hít và âu yếm trẻ thật nhiều. Luôn giữ thái độ thư giãn khi tham gia các hoạt động xã hội, trong giờ ăn và giờ tắm của trẻ. Tiếp cận từng giai đoạn của trẻ (ví dụ như tập ngồi bô) với một thái độ cởi mở và dễ chịu, bởi vì nếu bạn luôn căng thẳng, trẻ sẽ nhận ra ngay.
Thỉnh thoảng phải tự cho mình những giây phút xả hơi, nghỉ ngơi giải trí với vợ/chồng mà không mang theo con, sự nghỉ ngơi này sẽ đem lại nhiều thay đổi tích cực không ngờ đấy !
Supernanny Jo Frost - Practical Parenting
Theo Practical Parenting